Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

0
(0)

Với những người đam mê thể thao, vận động, chắc chắn không ít trường hợp đã từng gặp chấn thương trong quá trình tập luyện, thi đấu. Chấn thương trong thể thao thường bất ngờ và không thể nói trước. Cách xử trí chấn thương đúng đắn sẽ giúp người gặp chấn thương hạn chế đau đớn và phục hồi nhanh hơn.

1. Chơi thể thao thường gặp những nhóm chấn thương nào?

Các bộ môn thể thao luôn đòi hỏi sự vận động liên tục, phối hợp nhịp nhàng giữa chân, tay, xương, khớp. 4 nhóm chấn thương sau đây yêu cầu người chơi phải  xử trí chấn thương thể thao đúng cách.

1.1. Chấn thương căng cơ

Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Căng cơ là một chấn thương thể thao phổ biến

Căng cơ là một chấn thương thể thao phổ biến thường gặp ở cơ đùi, cơ tứ đầu, cơ háng, bắp chân, bả vai, lưng…Đây là tình trạng cơ hoặc gân bị giãn căng hoặc bị rách. Khi bị căng cơ, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như: sưng, đau nhức vùng bị chấn thương, vận động khó khăn. 

Trong trường hợp nhẹ, cơ bị căng ít, người bệnh sẽ thấy đỡ đau hơn khi được nghỉ ngơi. Nhưng với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị đau trong một thời gian dài. Khi triệu chứng đau tăng lên, người gặp chấn thương có thể phải sử dụng thuốc giảm đau hoặc đến các cơ sở y tế để xác định lại tình trạng và biện pháp chữa trị.

1.2. Chấn thương bong gân

Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Bong gân thường xảy ra khi vận động với cường độ cao

Bong gân là chấn thương xảy ra ở dây chằng- là mô nối hai hoặc nhiều xương tại một khớp. Khi vận động quá mức với cường độ cao, xương khớp thường bị ảnh hưởng. Bị bong gân cũng có nghĩa là một hoặc nhiều dây chằng bị giãn hoặc rách. 

Những khu vực thường gặp tình trạng này là cổ chân, cổ tay, mắt cá…Biểu hiện của người gặp chấn thương bong gân là sưng tím, tụ máu tại vị trí dây chằng bị tổn thương. Khi tác động lực vào khu vực này sẽ thấy rất đau, khó chịu. Bong gân cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của người tập luyện. 

Cách xử trí chấn thương thể thao này là đến bệnh viện khám để xác định mức độ tổn thương và xác định hướng điều trị phù hợp. Tránh tình trạng để lâu sẽ làm hạn chế và mất đi tính linh hoạt, dẻo dai của dây chằng.

1.3. Chấn thương đầu gối

Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Chấn thương gối thường xảy ra khi chuyển tư thế đột ngột

Thường gặp khi di chuyển quá nhanh, tiếp đất sai cách, dừng lại hoặc xoay chân đột ngột. Những chấn thương đầu gối có thể kể đến như chấn thương dây chằng chéo trước, rách dây chằng bên trong gối, hội chứng bánh chè – đùi…Trong đó, chấn thương dây chằng chéo trước là tổn thương nghiêm trọng, cần có thời gian nghỉ ngơi dài và có thể phải phẫu thuật để nối lại phần dây chằng đã tổn thương mới có thể phục hồi lại khả năng vận động của khớp gối.

>> Xem thêm: 5 tình huống chấn thương bóng đá thường gặp trong thi đấu

1.4. Chấn thương khu vực vai và cánh tay

Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Khớp vai có biên độ vận động lớn và thường xảy ra chấn thương

Khớp vai là khớp có biên độ vận động lớn nhất trên cơ thể nên rất dễ bị chấn thương. Chấn thương vùng vai chiếm khoảng 1/10 các chấn thương thể thao. Tổn thương vai thường do sự quá tải hoặc do việc lặp đi lặp lại động tác ném và đẩy. 

Chấn thương vai – tay là một trong những chấn thương thường gặp nhưng lại khó hồi phục nhất (vì tập trung nhiều phần gân, cơ). Các tổn thương thường gặp là viêm gân chóp xoay, viêm gân dài nhị đầu, viêm gân khớp vai, viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay…. Dù có gặp chấn thương ở dạng nào đi chăng nữa thì các chấn thương vai và cánh tay cũng gây khó chịu, đau đớn, cản trở đến quá trình tập luyện, sinh hoạt và cần phải khắc phục kịp thời.

2. Cách xử trí chấn thương thể thao phổ biến 

Cách xử trí chấn thương thể thao còn phụ thuộc vào loại chấn thương và tình trạng chấn thương ở mức nhẹ, bình thường hay nghiêm trọng?

2.1. Xử trí chấn thương thể thao dựa vào loại chấn thương

  • Đối với chấn thương phần mềm: là những thương tổn ở gân, cơ, dây chằng…Đây chủ yếu là những chấn thương dạng nhẹ và có thể xử trí chấn thương thể thao này bằng 2 phương pháp chính:

Phương pháp chườm lạnh: Sử dụng phương pháp này với mục đích giảm thân nhiệt, giảm đau do chấn thương cơ, dây chằng, giảm sung huyết cục bộ.

Cách làm: Bọc đá lạnh bằng túi nilon và khăn ướt để chườm bên ngoài vùng sưng. Chườm trong khoảng 10 -15 phút giúp giảm nhẹ sưng đau và viêm, giảm cháy máu. Đây là phương pháp thường được áp dụng với các chấn thương nhỏ.

Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Chườm lạnh giúp giảm sung huyết cục bộ

Phương pháp băng ép: phương pháp này giúp giảm tình trạng chảy máu và phù nề. Tốt nhất dùng băng thun và băng tại vị trí tổn thương, băng rộng lên phía trên hoặc xuống phía dưới vùng tổn thương. Kê cao khu vực bị tổn thương để giúp máu trở về tim tốt hơn và giảm sưng viêm.

  • Chấn thương khớp: Chấn thương khớp thường gặp là đau khớp và nặng hơn là tình trạng khớp bị xê dịch, lệch và không đúng ở trạng thái bình thường. Cách xử trí chấn thương thể thao dạng này chính là chườm lạnh và băng bất động khớp ở đúng tư thế bị trật và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

KHÔNG NÊN kéo nắn hoặc tự ý xoa bóp khớp để tránh tối đa tình trạng tụ máu, cứng khớp hoặc lỏng khớp. 

  • Đối với chấn thương xương: Chấn thương xương thường gặp chính là gãy xương cấp tính hoặc rạn xương. Trong quá trình tập luyện, lực tác động liên tục dần dần dẫn đến tình trạng gãy xương và gây đau đớn cho người tập luyện, thi đấu. Xử trí chấn thương thể thao gãy chân bằng cách chườm lạnh để giảm sưng đau. Xé bỏ phần trang phục bó quanh vùng bị thương. Sau đó, cố định xương gãy bằng nẹp và đưa đến bệnh viện. 
Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Gãy xương là một trong những chấn thương nặng cần xử lý đúng cách

>> Gợi ý: Bó gối thể thao – Giải pháp tốt phòng tránh chấn thương

2.2. Xử trí chấn thương thể thao dựa vào tình trạng chấn thương

  • Khi gặp những chấn thương nhẹ 

Áp dụng 4 bước NÊN làm ( RICE )

Rest: Ngay lập tức nghỉ ngơi khi bị chấn thương, hạn chế di chuyển để tránh chảy máu, giảm phù nề. Bất động chi bằng bột, nẹp.

Ice: Chườm đá giảm đau, mỗi lần 20 – 30 phút, cách nhau 2 -3 giờ.

Compression: Băng ép khu vực tổn thương.

Elevation: Kê cao khu vực chấn thương.

4 điều KHÔNG NÊN (HARM)

Heat: Chườm nóng hoặc thực hiện bất kì tác động nhiệt nào vào vùng chấn thương sẽ làm tăng chảy máu.

Alcohol: Đắp cồn hoặc rượu làm tăng phù  nề và lâu hồi phục.

Running: Chạy hoặc tập luyện trong vòng 72 giờ đầu vì sẽ làm chấn thương nặng hơn.

Massage: Tránh xoa bóp ít nhất trong 72h đầu sau chấn thương.

  • Với những chấn thương nặng

Với những chấn thương vùng đầu, gây tê, bất tỉnh hoặc co giật… cần tránh các tác động hoặc di chuyển người bị tổn thương. Sau giai đoạn cấp tính, cần kịp thời đưa đến bệnh viện để các bác sĩ chẩn đoán tình trạng, nhận định mức độ thương tổn và có biện pháp điều trị kịp thời.

3. Cách phòng tránh và giảm nguy cơ chấn thương thể thao

  • Khởi động kỹ: Đây là một quy tắc mà tất cả những người chơi thể thao cần phải thuộc. Việc khởi động kỹ sẽ làm tăng lượng lưu thông máu, làm nóng cơ thể, nới lỏng các khớp và sẽ làm chúng linh hoạt hơn khi đối mặt với các kiểu di chuyển trong tập luyện thi đấu. Nhờ đó, sẽ làm giảm được các chấn thương không mong muốn.
Xử trí chấn thương thể thao đúng cách giảm mức độ thương tổn

Khởi động kỹ là cách phòng tránh chấn thương hiệu quả

  • Uống nhiều nước:  Bổ sung nước đầy đủ sẽ giúp cơ thể duy trì thân nhiệt và lượng máu ổn định. Đồng thời, cung cấp đủ mức oxi cần thiết để các cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động tốt, gia tăng hiệu suất luyện tập, tránh chấn thương.
  • Mặc quần áo phù hợp và sử dụng các đồ bảo hộ chuyên dụng: Một đôi giày đúng size chân, một bộ quần áo đủ rộng hoặc đệm đầu gối, băng bảo vệ cổ tay, khớp tay, mắt cá chân, khuỷu tay…sẽ rất có ích cho bạn trong quá trình di chuyển nếu không may bị té ngã, va chạm. Những phụ kiện bảo hộ này sẽ làm giảm nguy cơ chấn thương xuống mức tối đa.
  • Tránh tăng cường độ tập luyện lên đột ngột: Việc tăng cường độ tập luyện quá nhanh sẽ khiến cơ khớp không kịp thích nghi. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây chấn thương. Do đó, tăng dần cường độ hoạt động sẽ giúp cơ chắc khỏe hơn, tăng khả năng chịu áp lực hoạt động và giảm được thương tổn cho người chơi.
  • Nếu chẳng may bị chấn thương, hãy để cơ thể có thời gian phục hồi hoàn toàn trước khi thi đấu lại. Đây cũng là một trong những cách xử trí chấn thương thể thao hiệu quả. Đồng thời giảm được nguy cơ tái chấn thương có thể xảy ra khiến chấn thương nặng hơn.

>> Xem thêm: 5 loại chấn thương boxing thường gặp khi luyện tập, thi đấu

4. Kết luận

Chấn thương trong khi tập luyện, thi đấu là điều không ai mong muốn xảy ra với mình. Chấn thương có thể nhẹ hoặc nặng tùy vào từng tình huống. Cách xử trí chấn thương thể thao đúng đắn, kịp thời sẽ làm giảm nhẹ chấn thương và giảm đau đớn cho người bị thương tổn. Vì vậy, khi thi đấu luyện tập, hãy trang bị cho mình những phụ kiện bảo hộ và cách thức phòng tránh chấn thương tốt nhất nhé.

Đánh giá của bạn

0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Bài viết chưa được đánh giá

Leave a comment